Nguyệt San Số 6


Châu Phú
Tác giả: Trường Thi
Thể loại: Sưu khảo

Lời Giới thiệu: Trường Thi là bút hiệu của một nông gia tại vùng Virginia. Phần lớn những tác phẩm của Trường Thi viết về quê hương và lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo. Trong tác phẩm Giang Sơn Biên Trấn, Trường Thi đã phác họa cho người đọc thấy một hình ảnh của quê hương miền Tây Nam Việt trong thời kỳ mở mang bờ cỏi và lịch sử hình thành giáo phái Phật giáo Hòa Hảo. Trong chuỗi những vùng đất của tiền nhân chúng ta khai phá, phải kể đến những địa danh mà Trường Thi ghi lại như: Láng Linh, Kinh Vĩnh Tế, An Phú, Châu Phú, Tân Châu... v...v...Trường Thi còn là một cộng tác viên cho Đặc San Đuốc Từ Bi của Phật Giáo Hòa Hảo Nam Úc. Xin mời độc giả đi tìm hình ảnh của những nẻo đường miền Tây Nam phần, đặc biệt vùng biên giới Việt Miên, qua tác phẩm Giang Sơn Biên Trấn của Trường Thi, được BBT đăng trên trang Quê Hương của Nguyệt San Nông Gia Việt Nam, kể từ số 1.

          Châu Phú là một quận phì nhiêu và trù phú của tỉnh Châu Đốc. Hầu hết các xã Châu Phú đều có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, tiềm năng nông nghiệp đứng đầu toàn tỉnh. Toàn quận có 15 xã; hầu hết đều tập trung dân cư đông đúc và buôn bán khá sầm uất kể cả 3 xã biên giới: Vĩnh Tế, Vĩnh Ngươn và Châu Phong. Hậu giang là nguồn hải sản vô tận cho cư dân quanh vùng. Cặp hai bờ sông, các xã hữu ngạn Châu Phú, Mỹ Đức, Bình Long, Bình Mỹ với bốn mùa cây xanh bóng mát; bên tả ngạn Châu Giang, Hòa Lạc và Hòa Bình Đông chen giữa là cù lao xã Khánh Hòa quanh năm cây trái xum xuê, tạo vẻ đẹp hiền hòa của miền quê sông nước. Hầu hết những di tích và danh lam thắng cảnh của tỉnh Châu Đốc đều tập trung ở quận Châu Phú. Xã Vĩnh Tế với lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An. Đình Châu Phú tại trung tâm tỉnh lỵ và Bồ Đề Đạo Tràng. Đặc biệt Bửu Hương Các thuộc xã Thạnh Mỹ Tây nơi thờ quan Quản Cơ Trần Văn Thành, nơi đặt tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa của Đoàn quân Gia Nghị vào năm 1867.
         Ngược dòng thời gian cách đây trên 130 năm, sau khi quy y với Đức Phật Thầy Tây An, Giáo chủ của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương (tiền thân của Phật Giáo Hòa Hảo) và trở thành một đại đệ tử của Phật Thầy, Đức Cố Quản được Phật Thầy Tây An tin tưởng và giao cho trọng trách đi cắm 5 cây thẻ lịnh (thẻ được làm bằng gỗ quý rất nặng, đầu tiện búp sơn hình hoa sen, thân có khắc chữ Nho). Năm thẻ có danh hiệu và được phân bổ theo thứ tự sau:
- Đông Phương Thanh Đế cắm ở xã Vĩnh Hanh thuộc quận Châu Thành tỉnh An Giang
- Bắc Phương Hắc Đế cắm ở Ngã Bát rạch Cái Dầu thuộc xã Bình Long quận Châu Phú (nay là thị trấn cái Dầu)
- Tây Phương Bạch Đế cắm trên bờ kinh Vĩnh Tế vùng Bài Bài thuộc xã Vĩnh Ngươn quận Châu Phú (nay là xã Vĩnh Ngươn thị xã Châu Đốc)
- Nam Phương Xích Đế cắm ở Giồng Cát thuộc quận Hà Tiên (nay là thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang)
- Trung Ương Huỳnh Đế cắm ở trước núi Cấm thuộc xã Tú Tề quận Tri Tôn (nay là xã Tú Tề huyện Tịnh Biên).
        Hiện nay có nơi còn giữ được thẻ lập đền thờ gọi là Dinh Ông Thẻ.
        Vào năm 1851, Đức Phật Thầy Tây An phân chia tín đồ thành nhiều nhóm nhỏ do các đại đệ tử giỏi võ nghệ và tinh thông đạo lý dẫn đi khẩn hoang lập trại ruộng ở nhiều nơi:
- Hai nhóm do ông Bùi Văn Thân (tức Tăng chủ Bùi Thiền Sư) và ông Bùi Văn Tây (Tứ Đình Tây) hướng dẫn khai phá quanh vùng Thất Sơn nơi hoang dã rừng rậm và đầy thú dữ; dựng nên hai trại ruộng Hương Thới và Xuân Sơn (nay thuộc xã Nhơn Hưng và Thới Sơn huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang).
- Nhóm do ông Đặng Văn Ngoạn (tức Đạo Ngọan) vượt sông Tiền, khai mở ruộng rẩy hai bên bờ rạch Trà Bông, vùng Cần Lố thuộc Đồng Tháp Mười tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp)
- Nhóm do ông Nguyễn Văn Xuyến (tức Đạo Xuyến) khai thác vùng Cái Dầu bên bờ sông Hậu thuộc xã Bình Long quận Châu Phú (nay là thị trấn Cái Dầu quận Châu Phú)
- Đặc biệt nhóm do ông Trần Văn Thành (tức Đức Cố Quản) chỉ huy kéo về vùng Láng Linh thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, một vùng bùn lầy nước đọng quanh năm, lập nên trại ruộng Bửu Hương Các. Nhờ tinh thông võ nghệ và hấp thụ khí thiêng hùng vĩ của miền linh địa "Thất Sơn hùng vĩ" nên khi nước nhà có loạn, lợi dụng địa thế hiểm trở, Ngài đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm. Mặc dù cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài trong thời gian ngắn (1867 - 1873) nhưng đã làm cho quân thù khiếp sợ và nhứt là Ngài đã thực hiện được một trong tứ đại trọng ân của Giáo chủ Bửu Sơn Kỳ Hương là Ân Đất Nước.
        Kể từ ngày 20.03.1873 nhằm ngày 21 tháng 2 Âm lịch, mặc dù tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa bị tan vỡ và Đức Cố Quản mất tích nhưng địa danh Láng Linh vẫn bất biến với thời gian.
Mãi đến năn Đinh Dậu 1897, con trai của Đức Cố Quản là Trần Văn Nhu có ý định xây dựng đền thờ nhưng phải nhờ một người quen biết là Chủ Khả xin phép cất chùa vì ông đang bị Pháp truy nã. Bốn năm sau tức vào năm 1901, được giấy phép xây dựng và đặt tên là "Bửu Hương Tự", thu hút nhiều tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến cúng viếng và chữa bệnh. Bửu Hương Tự được xây trên phần đất của Bửu Hương Các, nơi Đức Cố Quản lập trại ruộng. Ngày 2 tháng 2 năm Quý Sửu 1913, nhân ngày Đức Cố Quản và nghĩa binh hy sinh, ông Trần Văn Nhu tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể. Con cháu và nhân dân trong vùng đến dự rất đông. Quân Pháp hay được cho lính vây bắt và đốt chùa nhằm thủ tiêu chứng tích của Đức Cố Quản. Trong trận này ông Trần Văn Nhu trốn thoát nhờ ông Từ Ba trụ trì (tức Đinh Văn Sang) đứng ra tự nhận mình là Hai Nhu. Ông bị giặc bắt và đánh đập rất dã man nhưng với tinh thần vì "Đạo Pháp", ông nhứt quyết không khai. Sau ba tháng giam giữ không buộc tội được, chúng thả ông về. Tuy nhiên vì những lần tra tấn này ông bị kiệt sức và qua đời tại Bửu Hương Tự. Đến năm 1938, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương lại một lần nữa xây dựng chùa với mái lợp ngói và khang trang. Năm 1947, chùa lại bị quân Pháp đốt một lần nữa nhằm triệt hạ những thế lực chống lại chúng. Chùa chỉ còn lại có bốn cây cột ở chánh điện. Năm 1953, nhân dân trong làng góp công góp của xây dựng lần thứ ba với lối kiến trúc hài hòa cho đến ngày nay. Năm 1997, Bửu Hương Các (tức dinh Đức Cố Quản) được trùng tu, sơn mới khang trang, mặt trước có vẽ cội Bồ đề một biểu tượng của Phật pháp. Di tích Bửu Hương Các, một trong những di tích được công nhận và xếp hạng đẳng cấp quốc gia.
       Di tích nằm trên diện tích khoảng 500 m2, cách trung tâm huyện lỵ Châu Phú chừng 20 km và cách Vàm Sáng Vịnh Tre (đường liên tỉnh lộ số 10) khoảng 10 km đường chim bay. Trên diện tích 500 m2 ấy, những di tích của một thời khai hoang và chống giặc vẫn còn tiềm ẩn khi Đức Cố Quản xây dựng căn cứ hiểm yếu chống ngoại xâm. Cổng tam quan sơn vàng trên đề hai chữ "Láng Linh", dưới đề trại ruộng bà Cố Quản Nguyễn Thị Thanh, bốn cột vuông đều có liễn đối nền đỏ chữ vàng. Bửu Hương Các là ngôi miếu nhỏ thờ Thần Nông do bà Cố Quản lập ra trong thời kỳ khẩn hoang. Bên trong miếu, chính điện là bàn thờ Thần Nông xây bê tông sơn vàng, trang trí đẹp mắt. Dưới bệ thờ là bức tranh người nông dân gieo hạt có chim chóc bay quanh. Trước bàn thờ là rèm và lộng. Đối diện là bàn thờ Đức Phật Thầy Tây An. Bên trái thờ Cửu Huyền. Sau lưng là bàn thờ bà Cố Quản trang nghiêm với bảng vàng đề hai chữ "Anh Thư".
        Rẻ trái là đến thờ quan Quản Cơ Trần Văn Thành tức Đức Cố Quản. Đền thờ còn có tên là Bửu Hương Tự. Đền thờ xây trên nền đất cao, có sân rộng với nhiều chậu kiểng cổ. Phía trước là cột phướn và hàng sao cao vút. Bên trong đền có cây gáo cổ thụ sống trên 100 năm và 6 cây bảy thưa. Đền thờ rộng lớn khang trang và tôn nghiêm, có diện tích gần 400 m2 với lối kiến trúc cổ kính hài hòa, cột vuông sơn vàng, cửa tròn viền chỉ màu trắng, mái thẳng lợp ngói âm dương màu đỏ. Trên nóc có tượng lưỡng long giao châu. Bên phải là Tây Lang, bên trái là Đông Lang đều dùng làm nơi tiếp khách. Phía sau là văn phòng làm việc của Ban bảo vệ di tích.
       Bên trong đền thờ ở gian trước chánh điện thờ Đức Phật Thầy Tây An, đặt giữa bàn thờ là linh vị đề 4 chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương". Dưới chân là bức tranh sơn thủy có hồ sen, bên trái thờ ông Trần Văn Chái với 4 chữ "Trung Hiếu Lưỡng Toàn" trên bảng vàng (ông Trần Văn Chái đã tuẫn tiết tại ngục thất An Giang khi cuộc khởi nghĩa của Đoàn quân Gia Nghị bị thất bại). Ở phía sau, chánh điện thờ ông bà Cố Quản, giữa bàn thờ đặt một linh vị, trước có lư đồng, bình chân hương, lọng tròn hai bên, dưới chân là hai ghế thếp vàng. Bàn thờ xây bê tông, sơn phết rất đẹp. Phía trước đặt linh sàng sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu, bên cạnh là chiếc võng và hai hàng lỗ bộ. Bên trái thờ ông Phạm Văn Khuê, một nho sĩ ở Cần Thơ. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa và làm cố vấn tổ chức. Trong trận Pháp tấn công cứ điểm khởi nghĩa ở Giồng Nghệ năm 1872, ông bị bắt nhưng vẫn một lòng trung kiên không khai báo. Năm 1875, ông được tha về dạy học ở làng Vĩnh Hanh quận Châu Thanh (An Giang) và mất tại đây.
        Bên phải thờ ông Từ Ba Đinh Văn Sang cùng 83 anh hùng đã tuẫn tiết trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Phía đối diện, chánh điện thờ ông Trần Văn Nhu. Ông là con trưởng của Đức Cố Quản, sinh năm 1847 tại xã Bình Thạnh Đông. Theo cha khởi nghĩa và khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông mai danh ẩn tích. Ông mất ngày 25 tháng 3 1914. Bên phải thờ các ông Đội Tư Đinh Văn Hiệp, Đội Chín Văn tức Đề đốc Văn (người phụ trách về vũ khí của cuộc khởi nghĩa), ông Đội Nhứt Cảm, Đề đốc Nguyễn Kế Trung còn gọi là ông Đạo Tư. Ông Đạo Tư rất thông thạo tiếng Pháp nên được cử làm nhiệm vụ phiên dịch. Khi căn cứ tan rã, ông chạy về quận Cái Bè (Định Tường). Sau đó bị ông giặc bắt và bị giết.
       Phía sau đền thờ là mộ phần bà Cố Quản nhũ danh Nguyễn Thị Thanh (sanh năm 1826 và mất năm 1899, thọ 74 tuổi). Ngoài mộ phần bà Cố Quản, còn có các mộ của những người con, và cháu ngoại đều an táng tại đây. Đặc biệt mộ phần không đắp nấm chỉ có mộ bia ghi tên, tuổi và ngày tạ thế dưới chân bia có vẽ hình hoa sen. Tất cả những mộ phần này nằm trong vòng rào bằng xi măng có trồng hoa mười giờ.
       Hằng năm cứ đến ngày 21 tháng 2 Âm lịch, chính nơi đây đã đón nhận hàng chục ngàn người như trẩy hội. Có ai ngờ rằng vùng đất hoang sơ ngày nào, thiếu dấu chân người của 130 năm về trước, nay trở thành trung tâm nông nghiệp phồn thịnh nhứt nhì của huyện Châu Phú, xã Thạnh Mỹ Tây với cánh đồng thẳng cánh cò bay. Chợ Long Châu người buôn bán tấp nập càng góp phần cho vùng đất Láng Linh luôn bất diệt với thời gian.

Trường Thi